Tác động Hội_chứng_Việt_Nam

Sau khi Reagan lên cầm quyền, hội chứng Việt Nam vẫn tiếp tục có những tác động lên chính sách đối ngoại Mỹ. Ví dụ, chính sách can thiệp của Reagan vào công việc nội bộ của Chính phủ Nacaragua qua việc ủng hộ lực lượng Contra đã gợi lại những ký ức khó chịu về chính sách can thiệp của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chính vì vậy, có thể nói dưới tác động của Hội chứng Việt Nam, quốc hội Mỹ sau đó đã phải bổ sung Tu chính án Boland vào Dự luật Tài chính Hạ viện năm 1982 nhằm ngăn chặn việc chính phủ Mỹ tài trợ cho lực lượng Contra[3] nhằm lật đổ chính quyền Nicaragua.

Thế nhưng nhìn chung bất chấp những tác động của Hội chứng Việt Nam, nước Mỹ từ sau 1975 trong nhiều trường hợp vẫn thi hành chính sách can thiệp ở nước ngoài, biến can thiệp ở nước ngoài gần như trở thành 1 đặc điểm của chính sách đối ngoại Mỹ. Trong những trường hợp đó, những giới hạn và lối thoát chiến lược luôn là những điều kiện thiết yếu được cân nhắc trước khi Mỹ tiến hành can thiệp nhằm tránh 1 sự sa lầy như trong Chiến tranh Việt Nam. Nước Mỹ cũng đã tiến hành cuộc Chiến tranh vùng Vịnh nhằm tìm kiếm chiến thắng để xoa dịu vết thương của Hội chứng Việt Nam.